Tăng giá trần đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/3/2024
Bộ Giao thông vận tải đã thông qua việc tăng mức trần giá vé máy bay các chuyến bay nội địa từ ngày 1/3/2024. Mức trần đối với giá vé các chuyến bay nội địa sẽ tăng thêm 50.000 – 250.000đ tùy theo khoảng cách đường bay (giá vé giữ nguyên đối với các chuyến bay dưới 500km). Theo đó, mức trần giá vé sẽ tăng 2,3-6,7% so với mức hiện tại đối với các đường bay trên 500km.
Tác động đối với các hãng hàng tích cực nhưng không nhiều
Việc nâng giá trần đối với các chuyến bay nội địa là thông tin tích cực đối với các hãng hàng không. Giá trần đã giữ nguyên trong 8 năm kể từ năm 2015. Trong khi đó, chi phí của các hãng hàng không tăng cao do giá nhiên liệu bay tăng và đồng VND mất giá (70% chi phí của các hãng hàng không liên quan đến đồng USD). Do đó, việc tăng mức giá trần là điều cần thiết giúp các hãng hàng không chuyển bớt chi phí tăng lên sang cho khách hàng và nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tác động từ việc điều chỉnh tăng giá trần này là không nhiều do mức tăng không đáng kể. Ngoài ra, nhu cầu trong nước vẫn kém tích cực do niềm tin tiêu dùng suy yếu và chỉ có những chuyến bay sát ngày khởi hành mới có thể áp dụng giá trần.
Duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với cổ phiếu hãng hàng không
HSC duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với VJC & HVN với giá mục tiêu lần lượt là 10.500đ & 107.500đ (mặc dù chúng tôi đang xem xét lại đối với HVN). Chúng tôi dự báo lợi nhuận của các hãng hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới nhờ nhu cầu từ thị trường quốc tế hồi phục, nhưng HSC cho rằng giá cổ phiếu các hãng hàng không đã sát giá trị hợp lý.
HVN đang giao dịch với EV/EBITDAR trượt dự phóng 1 năm là 2,8 lần, thấp hơn so với trước dịch ở mức 4,1 lần, nhưng tình hình tài chính của HVN đã chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 và chịu rủi ro hủy niêm yết. Trong khi đó, VJC đang giao dịch với EV/EBITDAR trượt dự phóng 1 năm là 5,3 lần; tương đương so với trước dịch ở mức 5,2 lần.
Tác động tích cực nhưng không lớn
Việc tăng mức trần giá vé cho các chuyến bay nội địa sẽ giúp các hãng hàng không tăng giá vé trong mùa cao điểm và các chuyến bay sát ngày khởi hành. Tuy nhiên, tác động đối với các hãng hàng không là không nhiều do mức tăng thấp và nhu cầu trong nước vẫn kém tích cực. Doanh thu nội địa hiện chỉ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu hoạt động vận tải hàng không. HSC giữ nguyên khuyến nghị Nắm giữ và giá mục tiêu đối với VJC & HVN (mặc dù chúng tôi đang xem xét lại HVN).
Tăng giá trần đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/3/2024
Bộ GTVT ban hành Thông tư 34/2023 sửa đổi một số điều của Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2024. Cụ thể như sau:
- Đối với các đường bay có khoảng cách 500-850km, mức giá trần sẽ tăng 50.000đ (tăng 2,3%) lên 2,25 triệu đồng.
- Đối với các các đường bay có khoảng cách 850-1.000km, mức giá trần sẽ tăng 100.000đ (tăng 3,6%) lên 2,89 triệu đồng.
- Đối với các đường bay có khoảng cách 1.000-1.280km, mức giá trần sẽ tăng 200.000đ (tăng 6,3%) lên 3,4 triệu đồng.
- Đối với các đường bay có khoảng cách trên 1.280 km, mức giá trần sẽ tăng 250.000đ (tăng 6,7%) lên 4 triệu đồng.
- Mức giá trần cho các chuyến bay một chiều dưới 50km giữ nguyên ở mức 1,6-1,7 triệu đồng.
Bảng 1: Mức giá trần cho các chuyến máy bay nội địa, Việt Nam
Việc tăng giá trần là cần thiết đối với các hãng hàng không…
Mức giá vé trần hiện tại đã được áp dụng trong 8 năm kể từ năm 2015 và cần được điều chỉnh để cải thiện tỷ suất lợi nhuận cho các hãng hàng không vì chi phí của các hãng hàng không đến nay đã tăng mạnh. Cụ thể như sau:
- Giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 tăng 85% so với bình quân năm 2015. Do nhiên liệu bay chiếm khoảng 35% và 46% chi phí đơn vị của HVN & VJC nên giá nhiên liệu bay tăng mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không.
- Ngoài ra, khoảng 70% chi phí của các hãng hàng không liên quan đến đồng USD, bao gồm chi phí đi thuê tàu bay, chi phí nhiên liệu bay… nên đồng VND mất giá cũng ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không.
Do đó, việc tăng mức giá trần là điều cần thiết để giúp các hãng hàng không chuyển bớt chi phí tăng lên sang khách hàng và giữ vững tỷ suất lợi nhuận.
…nhưng tác động không lớn
Tuy nhiên, HSC cho rằng tác động của Thông tư này tới KQKD của các hãng hàng không là không đáng kể vì:
- Việc tăng giá trần ở mức một con số là không đáng kể. Ngoài ra, các hãng hàng không chỉ có thể áp dụng mức giá trần đối với các chuyến bay sát ngày khởi hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu nội địa kém tích cực hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, ngay cả những chuyến bay đặt vào ngày khởi hành cũng không thể áp dụng mức giá trần ở các đường bay nội địa nhộn nhịp nhất là Hà Nội – TP.HCM.
- Ngoài ra, các chuyến bay nội địa hiện chỉ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu vận tải của các hãng hàng không trong khi các chuyến bay quốc tế đóng góp 60% còn lại.
Theo đó, việc tăng nhẹ mức giá trần đối với các đường bay nội địa sẽ tác động không đáng kể đến lợi nhuận của các hãng hàng không.
Biểu đồ 2: Cơ cấu doanh thu vận tải, VJC
Biểu đồ 3: Cơ cấu doanh thu vận tải, HVN
Nhu cầu trong nước vẫn yếu
Theo ACV, tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng số hành khách nội địa đạt 69,4 triệu lượt, giảm 6% so với cùng kỳ do giá vé cao và niềm tin tiêu dùng suy yếu. Trong khi đó, số lượng du khách quốc tế đạt 26,3 triệu lượt, tăng 224% so với cùng kỳ nhờ xu hướng phục hồi sau dịch COVID-19.
HSC tin rằng nhu cầu quốc tế sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 nhờ sự phục hồi của du khách Trung Quốc. Chúng tôi dự báo số lượng du khách quốc tế sẽ tăng trưởng 35,4% trong năm 2024 đạt 43,7 triệu lượt trong khi số lượng hành khách nội địa mặc dù sẽ tăng trưởng trở lại nhưng chỉ ở mức một con số là 8,2% đạt 87 triệu lượt.
HSC duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với các hãng hàng không
HSC duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với HVN & VJC với giá mục tiêu giữ nguyên ở mức lần lượt 10.500đ và 107.500đ. Lưu ý rằng chúng tôi đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu đối với HVN.
Theo dự báo hiện tại cho năm 2023, HVN sẽ lỗ thuần 2,1 nghìn tỷ đồng trong Q4/2023, giảm từ mức lỗ 2,7 nghìn tỷ đồng trong Q4/2022 và mức lỗ 2,3 tỷ đồng trong Q3/2023 nhờ nhu cầu đi lại hàng không quốc tế hồi phục.
Trong khi đó, theo dự báo cho năm 2023, lợi nhuận thuần Q4/2023 của VJC sẽ đạt 86 tỷ đồng, so với lỗ 2,4 nghìn tỷ đồng trong Q4/2022 và lợi nhuận thuần 135 tỷ đồng trong Q3/2023. Lợi nhuận được dự báo sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ thị phần cải thiện và nhu cầu quốc tế hồi phục mạnh, trong khi lợi nhuận giảm so với quý trước do lợi nhuận mảng giao dịch tàu bay giảm xuống.
HVN đang giao dịch với EV/EBITDAR trượt dự phóng 1 năm là 2,8 lần, thấp hơn so với trước dịch COVID-19 ở mức 4,1 lần. Tuy nhiên, do tình hình tài chính suy yếu trước tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, vốn CSH của HVN đã âm và có nguy cơ bị hủy niêm yết & chuyển xuống sàn UPCoM (từ sàn HSX). Do đó, HSC cho rằng hiện thị giá của HVN đã sát giá trị hợp lý.
Trong khi đó, VJC đang giao dịch với EV/EBITDAR trượt dự phóng 1 năm là 5,3 lần, tương đương trước dịch COVID-19 ở mức 5,2 lần. HSC tin rằng tác động tích cực từ sự hồi phục của nhu cầu đi lại hàng không quốc tế đã phản ánh vào giá cổ phiếu và thị giá HVN cũng đang sát giá trị hợp lý.
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.