Lạm phát là gì?
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Lạm phát trong tiếng Anh là từ Inflation. Lạm phát xuất hiện khi quy luật kinh tế hàng hóa bị phá vỡ, nhất là quy luật lưu thông tiền tệ.
Lạm phát có 3 loại chính đó là:
- Lạm phát vừa phải: tỷ lệ lạm phát dưới 10%, là loại lạm phát có giá cả tăng chậm và có thể dự đoán được.
- Lạm phát phi mã: tỷ lệ lạm phát từ 10 – 100% hay còn gọi là lạm phát 2 hoặc 3 con số. Tình trạng lạm phát này nếu không được kiểm soát thì sẽ dẫn tới khủng hoảng và suy thoái.
- Siêu lạm phát: tỷ lệ tăng giá khoảng trên 1000% /năm, lúc này nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng khi đồng tiền gần như không còn giá trị gì.
Nguyên nhân nào dẫn đến lạm phát:
1. Lạm phát do tiền tệ
Có thể do ngân hàng Trung ương in thêm tiền hoặc mua ngoại tệ để giữ cho nội tệ không bị mất giá hay ngân hàng Thương mại tăng tín dụng, tiền tệ nhiều hơn lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp thì sẽ dẫn tới lạm phát. Lạm phát do tiền tệ thường không biểu hiện ngay mà thường xuất hiện trong trung và dài hạn, thường là sau 2 – 3 năm.
2.Lạm phát chi phí đẩy
Sự gia tăng của giá cả nguyên vật liệu trong khâu sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Khi giá của một hoặc một vài yếu tố tăng lên sẽ khiến chi phí sản xuất tăng theo. Lúc này doanh nghiệp nếu muốn có lợi nhuận như mong đợi thì họ buộc phải tăng giá bán sản phẩm của mình. vì chi phí đẩy lên mới sinh ra lạm phát, nếu mức giá chung của toàn bộ nền kinh tế tăng lên thì người ta sẽ xếp vào “lạm phát do chi phí đẩy”.
3. Lạm phát do xuất/nhập khẩu
- Do nhập khẩu: giá hàng hóa nhập khẩu tăng khiến cho giá bán hàng nhập khẩu trong nước tăng theo và nếu nó tăng lên trên mức giá chung thì sẽ xảy ra lạm phát.
- Do xuất khẩu: giá bán sản phẩm trong nước không thu được nhiều lợi nhuận như bán ra nước ngoài làm các doanh nghiệp đua nhau xuất khẩu. sự thiếu hụt nguồn cung trong nước sẽ làm giá sản phẩm bị đẩy lên và cũng tạo thành lạm phát.
4. Lạm phát do cầu kéo
Cầu ở đây là nhu cầu từ thị trường, là một loại hàng hóa tăng làm giá thành của hàng hóa đó tăng lên, dần dần làm cho giá của hầu hết mặt hàng đồng loạt tăng. Vậy là tạo thành lạm phát.
5. Lạm phát do cơ cấu
Xảy ra khi ngành kinh doanh hiệu quả, khi họ thu về nhiều lợi nhuận cho mình thì họ sẽ tăng dần tiền công “danh nghĩa” cho công nhân. Vậy là ngành kinh doanh kém hiệu quả cũng bị buộc phải tăng theo nhưng lợi nhuận lại không tăng tương xứng làm chi phí tăng và cuối cùng là đẩy giá sản phẩm lên cao.